Sự phát triển nhanh chóng của TikTok kéo theo những nội dung trên nền tảng này cũng được đa dạng hoá với nhiều xu hướng tiếp cận mới. Bên cạnh các trend đình đám còn có những nội dung như mẹo vặt, các kiến thức học tập hay kỹ năng trong cuộc sống. Nhiều người trẻ có thói quen lưu lại vì sợ bỏ lỡ thông tin hữu ích. Nhưng liệu bạn có thể ghi nhớ những kiến thức trong video #LearnOnTikTok đã lưu khoảng bao nhiêu phần trăm?
Từ khi TikTok xuất hiện và các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Instagram cho ra mắt tính năng Reels, Shorts…, sự phổ biến của các dạng nội dung ngắn như vậy trong giới trẻ lại càng được gia tăng. Cùng với tính chất “ngắn” và nguồn nội dung đa dạng, vô tận, các nền tảng này níu chân người dùng khiến họ không thể dứt ra. Xem thêm thông tin tại đây
Bên cạnh đó, TikTok từng “gây thương nhớ” cho người dùng nhờ vào chiến dịch #LearnOnTikTok - khi các nhà sáng tạo nội dung tiếp cận người dùng bằng cách trẻ hoá nội dung giáo dục thành các câu chuyện, thậm chí ảnh memes, khiến những kiến thức này trở nên dễ hiểu, thu hút, đặc biệt là đối với giới trẻ. Dù mới ra mắt vào tháng 8/2020, chiến dịch này đã đạt được cột mốc hơn 9,4 triệu video và 329 tỷ lượt xem, theo số liệu từ chương trình Kỷ niệm 2 năm #LearnOnTiktok của TikTok vào tháng 9/2022. ( TikTok, 2022)
Con số ấn tượng này đã chứng minh độ phủ sóng và thu hút của chiến dịch #LearnOnTikTok với người dùng mạnh mẽ như thế nào. Bên cạnh đó, các nội dung #LearnOnTikTok có độ tiếp cận cao một phần là do sự bổ ích và tiện lợi của chúng.
Thay vì phải xem một video dài trên Youtube, giờ đây chúng ta có thể tiếp thu kiến thức thông qua nhiều video ngắn một cách nhanh chóng, “học mà chơi, chơi mà học”, vừa tiết kiệm thời gian, vừa nâng cao năng suất lại không hề nhàm chán, khô khan!
Nhiều bạn trẻ đang dần hình thành thói quen lưu lại những video truyền tải kiến thức như trên vì sợ rằng mình sẽ bỏ lỡ những mẹo vặt bổ ích. Nhưng liệu bạn có thể ghi nhớ được bao nhiêu phần trăm những thông tin trong video đã từng xem?
Và sẽ thật trớ trêu nếu bỗng dưng bạn đồng nghiệp hỏi bạn: “Làm thế nào để tạo số tự động trong Google Sheet?”, trong khi bạn nhớ là mình đã từng xem được mẹo này trên #LearnOnTikTok nhưng lại không thể nhớ cụ thể thao tác đó như thế nào. Tối đó, bạn ngậm ngùi “mò lại” video đã lưu và tiếc nuối vì đã không giúp được bạn đồng nghiệp.
Dù biết rằng bản thân sẽ không xem lại ảnh chụp màn hình, hay các video đã lưu, nhưng tại sao chúng ta lại luôn “ném” hết chúng vào mục lưu trữ? Lý do chẳng phải đến từ sự bổ ích và cần thiết của những kiến thức #LearnOnTikTok đem lại trong cuộc sống của chúng ta hay sao? Sự tiện lợi đó giống như chiếc túi thần kỳ của mèo máy Doraemon, khi nào cần áp dụng kiến thức bổ ích bạn có thể “order” ngay.
Giống như khi đang giải bài toán mà quên công thức, bạn hoàn toàn có thể giở sách xem lại. Việc lưu các video trên TikTok để học cũng như vậy, khi nào cần đến chúng có thể “order” được ngay. Nhưng nếu để bạn tự xoay sở mà không có sự hỗ trợ từ “anh bạn” TikTok bên cạnh, liệu bạn có khả năng ghi nhớ một cách trơn tru không?
Trước hết, phải cùng nhìn lại cách bộ não chúng ta thực sự ghi nhớ. Mô hình ghi nhớ (Atkinson & Shiffrin, 1968) đã chỉ ra cách các ký ức được truyền và lưu trữ như thế nào?
Theo mô hình này, trí nhớ là một hệ thống xử lý thông tin được tạo thành từ 3 bộ phận:
Tuy nhiên, không phải tất cả các thông tin đều được đi qua cả ba kho lưu trữ này. Hầu hết nó sẽ bị lãng quên ở đâu đó trong quá trình chúng ta ghi nhớ. Trong nghiên cứu về quá trình kiểm soát của trí nhớ ngắn hạn (Atkinson & Shiffrin,1971), bộ não con người chỉ có thể lưu trữ những ký ức ngắn hạn trong khoảng 30 giây. Vì vậy, nếu bạn muốn ghi nhớ bất cứ điều gì hay thông tin gì quan trọng, chúng cần được chuyển vào bộ nhớ dài hạn.
Điều này có nghĩa là bạn phải thường xuyên nhắc đi nhắc lại và thường xuyên thực hành, “tập dượt” thông tin đó. Tương tự như khi đi trên một con phố, ban đầu có thể bạn không nhớ hết mọi ngóc ngách, nhưng càng đi thường xuyên trên con phố này, nó càng trở nên quen thuộc và càng dễ dàng đi qua.
Đặt trong bối cảnh chúng ta lưu lại các video trên TikTok với mục đích để học chỉ dừng lại ở kho lưu trữ thứ 2, nghĩa là chỉ lưu lại ở bộ nhớ ngắn hạn. Chúng ta lưu lại và “vứt xó” chúng rất lâu ở mục lưu trữ mà không thường xuyên xem lại, không bắt tay vào thực hành cho đến khi nhuần nhuyễn. Theo thời gian, kiến thức đó sẽ nhanh chóng bị lãng quên, hoặc chúng ta chỉ nhớ loáng thoáng, qua loa mà không hiểu tường tận, gốc rễ. Như vậy chúng ta đang không thực sự khai thác thông tin từ TikTok cho mục đích học tập một cách hiệu quả và tối ưu.
Vì khối lượng thông tin mà chúng ta tiếp cận trong cuộc sống nói chung và trên #LearnOnTikTok nói riêng là vô hạn mà não bộ của chúng ta có giới hạn. Nếu không có kỹ năng chọn lọc để tìm ra nội dung nào thực sự phù hợp, có ích cho bản thân, bạn dễ rơi vào trạng thái “bội thực thông tin” vì mỗi thứ biết một ít.
Tạp chí của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (John et al.,2013) đã chỉ ra rằng việc thực hành kiểm tra và phân tán, còn được gọi là lặp lại cách quãng và thu hồi tích cực, sẽ làm tăng khả năng ghi nhớ ở mức độ cao nhất. Sự lặp lại cách quãng dựa trên “đường cong quên” (Hermann,1880) đã mô tả sự suy giảm khả năng lưu giữ trí nhớ của não bộ theo thời gian. Trong nghiên cứu khám phá “đường cong quên” này, Hermann đã phát hiện ra rằng khả năng chúng ta có thể nhớ lại điều gì đó sau khi xem sẽ bị giảm theo thời gian. Cụ thể:
Nhưng tin vui là chúng ta có thể tái hiện lại thông tin bằng cách tự hỏi lại mình về chủ đề đó trong các khoảng thời gian khác nhau. Mỗi khi chúng ta cố gắng nhớ lại, chúng ta sẽ lưu giữ thông tin tốt hơn và "đường cong quên" sẽ phẳng hơn. Lưu ý rằng các khoảng thời gian kiểm tra phải tăng dần theo thời gian, ví dụ sau 2 ngày, sau 7 ngày, sau 10 ngày… Đây là lý do tại sao học nhồi nhét là một phương pháp rất kém hiệu quả, dẫn đến hiệu quả ngắn hạn nhưng không cải thiện được trí nhớ dài hạn.
Sau khi đọc xong bài viết của CyberKid, liệu bạn có thể tự trả lời được câu hỏi đang bỏ ngỏ ở trên tiêu đề. Liệu rằng chúng ta có đang thực sự khai thác thông tin từ TikTok cho mục đích học tập một cách hiệu quả và tối ưu hay không? Ngày hôm nay được CyberKid mách bạn phương pháp “học bài” trên TikTok nhớ lâu, hiệu quả rồi, đừng để những thông tin bổ ích đó chỉ nằm trong mục lưu trữ của điện thoại mà hãy di chuyển chúng vào “ngăn kéo” lưu trữ trong trí nhớ của bạn nhé!
Nguồn tài liệu: