9 Cách giúp tập trung làm việc hiệu quả (Phần 2)

Date
12/11/2023
9 Cách giúp tập trung làm việc hiệu quả (Phần 2)

Theo một nghiên cứu, một học sinh điển hình thường bị phân tâm ít nhất 5’ trong số 15’ dành ra để học (Larry D., 2017). Nghiên cứu từ trường Đại học California cũng chỉ ra rằng, trung bình các nhân viên văn phòng bị xao nhãng cứ mỗi 3 - 5’ khi làm việc, và phải mất đến 20’ để trở lại với công việc. Mất tập trung khi học tập và làm việc chính là nguyên nhân khiến chúng ta trở nên kém năng suất hơn. Tiếp nối bài viết 9 Cách giúp tập trung làm việc hiệu quả (Phần 1), hãy cùng CyberKid Vietnam khám phá Phần 2 và tìm ra những phương pháp hữu ích để tập trung làm việc nhé!

Học bằng phương pháp Pomodoro

Pomodoro giúp bạn tập trung hơn

Kỹ thuật Pomodoro được phát triển bởi Francesco Cirillo vào cuối những năm 1980. Chắc hẳn bạn không xa lạ với những video “Study with me” trên Youtube. Người làm ra những chiếc video này cũng đã ứng dụng kỹ thuật Pomodoro để học tập và làm việc đó.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự trì hoãn ít liên quan đến sự lười biếng hoặc thiếu tự chủ. Thực tế là chúng ta trì hoãn để tránh những cảm giác tiêu cực (Laura Scroggs, Todoist). Bắt tay vào làm một công việc lớn và phức tạp ít nhiều sẽ khiến ta e ngại. Nhưng bằng việc chia nhỏ công việc theo phương pháp Pomodoro, bạn chỉ cần tập trung làm một đầu việc nhỏ trong 25’. Do đó bạn sẽ dễ tập trung làm việc hơn thay vì bị choáng ngợp bởi khối lượng công việc lớn.

Cách thực hiện Pomodoro và lưu ý

5 bước đơn giản để áp dụng phương pháp này:

  1. Chuẩn bị 1 danh sách đầu việc và 1 bộ đếm giờ
  2. Cài đếm giờ trong 25’ (1 Pomodoro)
  3. Tập trung làm 1 nhiệm vụ đến khi chuông báo
  4. Nghỉ ngắn 5’
  5. Nghỉ dài 15’ - 30’ sau mỗi 4 Pomodoro
Học bằng phương pháp Pomodoro

Trong trường hợp bạn cảm thấy khó tập trung trong 25’, vậy hãy bắt đầu với Pomodoro 15’, 10’ hay thậm chí là 5’. Bên cạnh đó, nếu bạn có những công việc mà cần thời gian dài hơn để rơi vào Trạng thái dòng chảy (Flow state), hãy kéo thời thời gian tập trung và tăng thời gian nghỉ ngắn. Nghiên cứu từ DeskTime cho thấy, một khoảng tập trung 52’ và nghỉ ngắn 17’ là phù hợp. Tuy nhiên nghiên cứu từ Ultradian rhythms lại cho rằng tập trung trong 90’ và nghỉ ngắn 20’ - 30’ là hợp lý. Vì vậy tùy từng công việc và thời gian tập trung của mình, bạn hãy chọn ra khoảng thời gian học tập và nghỉ ngơi phù hợp nhé. 

Đọc thêm: Trạng thái dòng chảy (Flow state)

Học nhóm cùng bạn bè

Lợi ích của học nhóm

Việc học nhóm cùng bạn bè sẽ giúp bạn học hiệu quả và tập trung. Theo Oxford Learning, thứ nhất, việc học nhóm sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn vấn đề thông qua bàn luận. Nếu những người xung quanh bàn luận về một khái niệm bạn không rõ, vậy đó có nghĩa là bạn cần học và tìm hiểu thêm. Thứ hai, học nhóm giúp bạn làm rõ các câu hỏi. Bạn có thể hỏi ngay bạn bè của mình những phần chưa rõ ràng. Và thứ ba, học nhóm cho bạn thêm động lực học tập. Việc có bạn bè xung quanh sẽ khiến bạn trở nên có trách nhiệm với việc học tập của mình. 

Lưu ý khi học nhóm

Tuy nhiên học nhóm sẽ chỉ phù hợp trong một số trường hợp.

Bạn nên lựa chọn học nhóm khi:

  • Kiến thức dễ nhớ hơn bằng cách bàn luận trong nhóm
  • Bạn học của bạn là người có động lực học tập
  • Bạn là người cần có người xung quanh để tạo động lực

Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc tự học nếu:

  • Việc “học nhóm” chỉ xoay quanh những vấn đề ngoài lề
  • Việc sắp xếp buổi học chung quá khó khăn
  • Vốn kiến thức của nhóm quá chênh lệch

CyberKid Vietnam luôn mong muốn tạo ra một môi trường để các bạn học sinh chia sẻ những tips học tập hữu ích; đồng thời biết thêm nhiều điều hay ho về an ninh mạng và năng lực số. Group Young Digital Citizen vì thế đã ra đời với sứ mệnh giúp các bạn trẻ phát triển bản thân mỗi ngày và có thêm động lực tiến bộ.

Học nhóm cùng bạn bè

Để não bộ nghỉ ngơi

Theo một nghiên cứu, các hoạt động trên mạng xã hội chiếm hơn một nửa (56%) nguyên nhân khiến người học không tập trung. Thông thường, sinh viên dễ bị xao nhãng nhất là sinh viên có nhiều thiết bị điện tư di động nhất xung quanh và mở nhiều tab máy tính (Rosen, Carrier, & Cheever, 2013). Như vậy, người sử dụng nhiều thiết bị điện tử và thường xuyên bị chúng ảnh hưởng chính sẽ rất dễ bị mất tập trung và làm việc không hiệu quả.

Các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng, trẻ em không nên dành quá 30 phút mỗi lần sử dụng các thiết bị điện tử. Sau đó, bé cần nghỉ giải lao một khoảng thời gian tương đương hoặc nhiều hơn nếu có thể. Đối với thanh thiếu niên, không nên dành quá 90 phút mỗi lần sử dụng công nghệ. Bạn cần ít nhất 10 đến 15’sau đó cho một số hoạt động có tác dụng xoa dịu não bộ. Bạn hãy thử: đi ra ngoài thiên nhiên, tập thể dục, nghe nhạc, thiền, tắm nước nóng, nói chuyện trực tiếp với bạn bè, chơi nhạc cụ hoặc luyện tập ngoại ngữ. 10 đến 15’ là thời gian đủ để khởi động lại bộ não (Rosen, L.D. (2017). 

Để não bộ nghỉ ngơi

Có chế độ ăn uống lành mạnh

Bộ não là nơi tốn nhiều năng lượng nhất trong cơ thể con người. Vậy bạn có thắc mắc năng lượng của bộ não lấy từ đâu? Năng lượng được lấy từ dinh dưỡng, là những thực phẩm chúng ta ăn uống hằng ngày. Để cải thiện sự tập trung, hãy bổ sung những dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mình nhé.

Một số nguồn năng lượng bạn nên bổ sung đầy đủ:

  • Thức ăn giàu protein như hạt giống, thịt, cá….: cung cấp amino acid giúp tạo neurotransmitter cần thiết cho sự tập trung, như dopamine và norepinephrine.
  • Các loại trái cây có chứa đường tự nhiên như quả lựu, dâu, cam, táo, dứa, chuối…: cung cấp năng lượng nhanh và duy trì sự tỉnh táo. 
  • Các loại hạt như hạt chia, hạt bí ngô, hạt hướng dương…: chứa chất béo không bão hòa và protein, giúp cung cấp năng lượng lâu dài cho não bộ.
  • Gạo lứt hoặc ngũ cốc nguyên cám: chứa carbohydrates phức tạp giúp cung cấp năng lượng lâu dài cho cơ thể và não bộ.
  • Nước: Uống đủ nước giữ cơ thể được cân bằng, giúp duy trì tập trung và chức năng tư duy

Ngoài chế độ ăn uống, việc vận động nhẹ nhàng cũng có thể giúp kích thích tư duy. Việc tập thể dục giúp cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường sự linh hoạt não bộ.

Có chế độ ăn uống lành mạnh

Kết luận

Như vậy thông qua bài viết, CyberKid Vietnam đã cùng bạn tìm hiểu về 9 cách để tập trung học hiệu quả (Phần 2). Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với các bạn. Để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác về học tập, năng lực số và an ninh mạng, hãy theo dõi CyberKid Vietnam trên Facebook và các blog tiếp theo trên website nhé.

Đọc thêm: 9 Cách giúp tập trung làm việc hiệu quả (Phần 1)

Nguồn tham khảo

  1. Rosen, L.D. (2017). The distracted student mind — enhancing its focus and attention. 
  2. González, V.M. & Mark, G. (2004, April). Constant, constant, multi-tasking craziness: Managing multiple working spheres.
  3. The Pomodoro Technique, The Pomodoro Technique — Why It Works & How To Do It (todoist.com)
  4. A Formula for Perfect Productivity: Work for 52 Minutes, Break for 17, A Formula for Perfect Productivity: Work for 52 Minutes, Break for 17 - The Atlantic
  5. The 90-Minute Solution: How Building in Periods of Renewal Can Change Your Work and Your Life (POLL) (VIDEO), The 90-Minute Solution: How Building in Periods of Renewal Can Change Your Work and Your Life (POLL) (VIDEO) | HuffPost Life
  6. Làm Việc Hiệu Quả Và Sống Hạnh Phúc Hơn Với Trạng Thái Dòng Chảy (Flow State), https://theintrovertwriter.com/flow-state/
  7. Rosen, L.D., Carrier, L.M., & Cheever, N.A (2013). Facebook and texting made me do it: Media induced task-switching while studying.
  8. Amrita Mandal, PhD, The Pomodoro Technique: An Effective Time Management Tool, The Pomodoro Technique: An Effective Time Management Tool - NICHD Connection - Science@NICHD (nih.gov)
  9. Studying In Groups Vs. Studying Alone: Which Is Better?, 2018, Benefits of Group Study vs Self Study | Oxford Learning
  10. Peter Reuell - Harvard Staff Writer, 2019, Lessons in learning, Study shows that students learn more when taking part in classrooms that employ active-learning strategies — Harvard Gazette

#CyberKidVietnam #Taptrunghoc #Lamviecnhomhieuqua #PhuongphapPomodoro #YoungDigitalCitizen

CyberKid Vietnam

Related posts
Không có bài viết liên quan